[In trang]
“Cuộc chiến” với khói thuốc
Thứ bảy, 10/05/2025 - 13:10
Điều 6 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không đơn thuần là một dòng quy phạm pháp luật, mà là lời hiệu triệu đạo đức dành cho những người đứng đầu tổ chức.

Đối với tổ chức công đoàn, nơi tiếng nói của người lao động được bảo vệ và lan tỏa, quy định ấy không chỉ trao quyền, mà còn gửi gắm một sứ mệnh. Bởi trong mỗi hơi thở khỏe mạnh của người công nhân, có sự chắt chiu của cả một hành trình đấu tranh để được sống và làm việc trong một môi trường không khói thuốc.

“Chỉ một điếu thuốc thôi” là câu biện minh phổ biến của nhiều người hút thuốc. Nhưng liệu họ có biết, chỉ một điếu thuốc ấy có thể để lại trong không khí hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm chất độc và ít nhất 70 chất gây ung thư? Không chỉ người hút, mà cả những người xung quanh đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người lao động trong không gian kín đều đang hít phải cái chết chậm rãi đó.

Vì vậy, thuốc lá chưa bao giờ là chuyện cá nhân. Và vì nó ảnh hưởng đến cộng đồng, pháp luật đã phải lên tiếng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời năm 2012 là sự phản ứng đúng đắn của Nhà nước trước một hiểm họa y tế công cộng đang âm thầm diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Trong 35 điều của đạo luật này, Điều 6 nổi bật với thông điệp rõ ràng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải đưa việc phòng, chống thuốc lá vào kế hoạch hoạt động, ban hành quy chế nội bộ không khói thuốc và quan trọng hơn là phải gương mẫu thực hiện.

Nếu ví một cơ quan, đơn vị là một “con tàu” thì người đứng đầu chính là “thuyền trưởng”. Tàu đi hướng nào, vào vùng nước an toàn hay vùng xoáy đều phụ thuộc vào tay chèo và tâm thế của người lái. Với vấn đề thuốc lá cũng vậy, người đứng đầu không thể đứng ngoài, càng không thể đi sau.

Với tổ chức công đoàn không chỉ là mái nhà của người lao động về quyền lợi, mà còn là điểm tựa về giá trị sống. Khi cán bộ công đoàn gương mẫu từ bỏ thuốc lá, khi Chủ tịch công đoàn nói không với khói thuốc trong hội họp, khi Ban chấp hành vận động không hút thuốc trong giờ giải lao… thì đó không chỉ là tuyên truyền mà đang thuyết phục bằng nhân cách.

Đối với đoàn viên, hình ảnh một người lãnh đạo công đoàn dứt khoát không hút thuốc giữa đám đông là lời cam kết âm thầm mà mạnh mẽ: “Chúng tôi quan tâm đến sức khỏe các bạn, chúng tôi cùng các bạn thay đổi”.

Tuyên truyền bằng khẩu hiệu thì dễ, nhưng thay đổi hành vi bằng uy tín đạo đức mới là thách thức thực sự. Một cán bộ công đoàn gương mẫu không chỉ là người nói về thuốc lá, mà phải là người không hút thuốc lá khi có trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.

Chủ động nhắc nhở nhưng không làm tổn thương lòng tự trọng của đồng nghiệp. Xây dựng một không gian làm việc lành mạnh bằng niềm tin, không bằng cấm đoán.

Từ bỏ thuốc lá có thể là quyết định cá nhân, nhưng khi người đứng đầu làm điều đó vì sức khỏe tập thể, thì hành động ấy mang trong mình phẩm chất lãnh đạo đích thực - lãnh đạo bằng trái tim.

Công đoàn là tổ chức gần gũi nhất với người lao động, là đại diện cho quyền lợi và cũng là người bạn đồng hành trong từng bước phát triển nghề nghiệp, đời sống của công nhân, viên chức, người lao động.

Và chính công đoàn cũng là nơi mà khói thuốc lá, nếu không bị ngăn chặn, có thể len lỏi vào từng ca làm việc, từng cuộc họp chi bộ, từng phút giải lao mệt nhọc. Người lao động có thể không dám lên tiếng khi đồng nghiệp hút thuốc gần mình. Nhưng công đoàn thì phải là nơi dám nói thay, dám đứng lên và hành động vì sức khỏe tập thể.

Tại một nhà máy điện ở Quảng Ninh, Chủ tịch công đoàn cơ sở vốn nghiện thuốc 15 năm đã tự nguyện bỏ thuốc. Không phải vì mệnh lệnh, mà vì anh chứng kiến một công nhân trẻ bị hen suyễn nặng hơn chỉ vì ngồi cạnh nhóm hút thuốc trong xưởng.

Anh bỏ thuốc, treo tấm bảng nhỏ trước bàn làm việc: "Ở đây không khói thuốc – chỉ có hơi thở của trách nhiệm". Từ đó, cả tổ máy dần dần không còn khói thuốc trong giờ làm việc. Một hành động nhỏ, một cam kết thầm lặng, nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn hàng trăm giờ tuyên truyền.

Khi cán bộ công đoàn tiên phong, khi lời nói đi đôi với hành động, người lao động sẽ tin và thay đổi.

Người lao động làm việc trong môi trường có khói thuốc thường chịu thiệt thòi kép, vừa không hút thuốc nhưng vẫn phải hít phải khói độc, vừa không có tiếng nói đủ mạnh để tự bảo vệ mình.

Đó là lý do vì sao công đoàn cần thực hiện đầy đủ các nội dung của Điều 6: Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch năm. Lập quy chế không khói thuốc trong nội bộ. Vận động người lao động từ bỏ thuốc lá bằng hình thức gần gũi, hiệu quả

Tổ chức các lớp cai nghiện thuốc lá miễn phí, kết hợp với khám sức khỏe định kỳ. Treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc, phòng họp, nhà ăn… Đánh giá thi đua, xếp loại gắn với việc thực hiện quy định không hút thuốc.

Tất cả những hành động đó đều nhằm hướng đến một điều giản dị, đó là giữ gìn hơi thở cho người công nhân, hơi thở của gia đình, của tương lai, của sự cống hiến.

Người công nhân không đòi hỏi gì nhiều, họ chỉ mong một không gian an toàn để làm việc, một bữa cơm trọn vẹn vị không có mùi thuốc lá, một cuộc họp không ngợp mùi khói, một chỗ nghỉ trưa thật sự là để nghỉ. Nhưng để đạt được điều ấy, cần đến sự thay đổi từ người đứng đầu, sự hành động của tổ chức công đoàn, và sự lan tỏa thành phong trào rộng lớn.

Điều 6 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã trao cho người đứng đầu một vai trò lịch sử không phải chỉ để quản lý, mà để dẫn đường. Với công đoàn, mỗi người cán bộ là một hạt giống lan tỏa văn hóa không thuốc lá.

Khi họ dũng cảm từ bỏ thuốc, đồng hành cùng người lao động trong từng bước thay đổi, thì hơi thở sạch không chỉ trở lại trong phổi mỗi người, mà còn lan tỏa thành bầu không khí đạo đức tập thể.

Điều 6 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nếu chỉ đọc qua sẽ thấy là quy định đơn giản. Nhưng nếu thực hiện thật sự sẽ trở thành cuộc cách mạng văn hóa trong môi trường công đoàn.

Bởi một môi trường không khói thuốc không chỉ là mong muốn của số ít người, mà là khát vọng thầm lặng của hàng triệu người lao động Việt Nam. Hãy để công đoàn trở thành nơi tiên phong bảo vệ hơi thở. Hãy để người đứng đầu là người khởi đầu cho sự lành mạnh ấy.

Và hãy để một điều luật tưởng như khô khan trở thành lời nhắc đạo đức sống động nhất trong từng hơi thở của mỗi người lao động.

Trong vô vàn quyền con người, có một quyền tưởng chừng giản đơn nhưng lại bị xâm phạm mỗi ngày: “Quyền được hít thở không khí trong lành”. Điều 7 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã lần đầu tiên định danh rõ ràng quyền này như một sự khẳng định dũng cảm rằng khói thuốc không thể là điều hiển nhiên. Đây cũng là tiếng nói từ lồng ngực của những người dân đang từng ngày mong mỏi được sống trong một môi trường không khói độc.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng được hít thở là điều hiển nhiên. Nhưng có hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, người già, người lao động đang hàng ngày hít vào khói thuốc thụ động mà họ không chọn, không đồng ý, không được bảo vệ.

Đằng sau một điếu thuốc được đốt lên ở hành lang công sở, sân trường học, trạm y tế, bến xe… là nỗi mệt mỏi của một bà mẹ hen suyễn, là tiếng ho của một đứa trẻ bị viêm phổi mãn tính, là nỗi lo lắng của một công nhân mang thai. Họ - phần đông của xã hội thường im lặng, nhẫn nhịn và vô hình.

Điều 7 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã mang lại một bước ngoặt nhân văn: “Người dân có quyền được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc”. Không còn là khuyến nghị, không còn là lời khuyên mà là quyền được bảo vệ bằng pháp luật.

Không ai cảm thấy dễ chịu khi lên tiếng nhắc người khác “anh đừng hút thuốc ở đây”, nhất là nếu người đó là cấp trên, là khách, là người lạ. Nỗi ngại ngùng ấy khiến hàng ngàn người mỗi ngày chọn cách im lặng.

Nhưng giờ đây, nhờ Điều 7 người dân không còn đơn độc: Họ có quyền nhắc nhở người hút thuốc vi phạm nơi cấm. Họ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người hút sai luật. Họ có quyền phản ánh, tố cáo nếu việc xử lý không được thực hiện.

Đó không chỉ là quyền cá nhân, mà còn là quyền bảo vệ cộng đồng. Đó là bước chuyển từ sự im lặng chịu đựng sang hành động có cơ sở, có pháp lý, có chính nghĩa.

Điều 7 là không chỉ nói đến quyền mà còn khơi dậy nghĩa vụ công dân được tuyên truyền, vận động người khác không hút thuốc.

Luật pháp Việt Nam đã đặt người dân vào vị trí người truyền cảm hứng, người đồng hành, chứ không chỉ là nạn nhân. Bởi sự thay đổi thực sự không chỉ đến từ xử phạt, mà từ sự lan tỏa giá trị tích cực.

Một thầy giáo gương mẫu không hút thuốc, học sinh sẽ noi theo. Một người cha bỏ thuốc vì con, cả gia đình sẽ an lành. Một cán bộ công đoàn vận động anh em đồng nghiệp, cả nhà máy sẽ trở thành vùng không khói thuốc.

Chúng ta vẫn nhường ghế cho người già, bế trẻ em qua đường, giúp đỡ người khuyết tật… vì đạo lý. Vậy thì nhường nhau một khoảng không gian không khói thuốc cũng là biểu hiện của đạo đức sống.

Điều 7 không chỉ quy định quyền, nghĩa vụ, mà là sự khẳng định trở lại những chuẩn mực đạo lý đã từng bị coi là “không đáng để tranh luận”. Nó khuyến khích con người sống vì nhau, tôn trọng không gian sống của nhau.

https://laodongcongdoan.vn/cuoc-chien-voi-khoi-thuoc-111185.html