(1) Thống nhất phối hợp chỉ đạo các hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo sự liên kết chặt chẽ, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá vì lợi ích của đoàn viên, ngư dân, góp phẩn đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
(2) Phát triển đoàn viên, thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cơ sở (NĐNCCS), nâng cao chất lượng hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, ngư dân, thực sự đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, ngư dân.
(3) Nâng cao nhận thức cho đoàn viên, ngư dân, chủ tàu để thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Chương trình đã được Hai bên ký kết với một số nội dung chính như sau:
(1) Công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật: Hai bên phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho đoàn viên, ngư dân NĐNCCS về chủ trươngchính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, Luật Thủy sản, Luật biển Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); công tác an toàn vệ sinh lao động trên tàu cá.Vận động ngư dân cam kết không vi phạm lãnh hải của các nước để khai thác; thực hiện cam kết vừa khai thác vừa bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
(2) Công tác trao đổi, cung cấp thông tin: Hai bên thường xuyên trao đổi, kịp thời cung cấp thông tin, thông báo tình hình về việc thành lập, giải thể, tổ chức và hoạt động của NĐNCCS; trao đổi thông tin về tình hình hoạt động, giới thiệu các mô hình NĐNCCS hoạt động hiệu quả; thông tin về khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật lĩnh vực khai thác thủy sản; tình hình giải quyết đơn thư khiếu lại, tranh chấp lao động, tai nạn lao động, kết quả giải quyết các vụ việc; tình hình an ninh trật tự trên biển; các quy định và chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản.
(3) Công tác hỗ trợ, thăm hỏi và bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, ngư dân và hoạt động của NĐNCCS: Hai bên phối hợp Quỹ tấm lòng vàng Lao động, Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam và các tổ chức từ thiện xã hội khác để hỗ trợ, thăm hỏi đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và gia đình của họ khi gặp rủi ro, hoạn nạn trong quá trình khai thác thủy sản trên biển và cuộc sống; đấu tranh, bảo vệ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá khi bị xâm phạm trên biển.
(4) Xây dựng các mô hình NĐNCCS thí điểm; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản: Phối hợp tìm kiếm nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết các NĐNCCS tại địa phương và trên toàn quốc; tìm kiếm cơ hội, tranh thủ sự hỗ trợ, đào tạo ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, chia sẻ ngư trường khai thác thủy sản, liên kết tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ hậu cần nghề cá góp phần nâng cao năng suất lao động và thu nhập, nâng cao hiệu quả hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá cơ sở. Xây dựng thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá triển khai mô hình đồng quản lý nghề cá, khai thác hợp pháp, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững.
(5) Công tác cứu hộ, cứu nạn: Huy động các nguồn lực hỗ trợ NĐNCCS về trang thiết bị thông tin liên lạc, trang thiết bị an toàn đi biển; hình thành đầu mối tiếp nhận thông tin báo cáo của ngư dân, đoàn viên về công tác cứu hộ, cứu nạn.
Để tổ chức thực hiện, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giao cho NĐNCVN, Liên đoàn Lao động tỉnh giao cho Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động là cơ quan thường trực có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình phối hợp này.