Sự kiện được đánh giá là một hoạt động sinh hoạt đảng ý nghĩa, làm nổi bật thêm chất chính trị - tư tưởng của Tổng Liên đoàn trong thời đại mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng cho hoạt động công nhân, công đoàn
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh, Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một công nhân thực thụ. Những trải nghiệm, lao động thực tiễn của Bác trong những ngày tha hương đã giúp Người hiểu thấu, đồng cảm sâu sắc với giai cấp lao động.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải.
Tư tưởng và quá trình hành động của Bác đồng hợp với sự phát triển của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn quốc tế, từ đó hình thành những giá trị cốt lõi cho tư duy và tầm nhìn xa của Người về giai cấp công nhân Việt Nam.
Theo PGS.TS Phan Thanh Khôi - nguyên Phó Viện trưởng, nguyên giảng viên cao cấp Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học - giai cấp công nhân Việt Nam mang trong mình những đặc điểm riêng có, ra đời trong điều kiện thuộc địa nửa phong kiến, với nền công nghiệp du nhập từ bên ngoài. Tuy vậy, chính bối cảnh đó lại tạo nên cho công nhân Việt Nam những phẩm chất đáng quý như lòng yêu nước nồng nàn, sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tinh thần đấu tranh kiên cường.
Đó là nền tảng để giai cấp công nhân Việt Nam đảm đương được vai trò lịch sử kép – vừa lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, vừa tiên phong trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
PGS.TS Phan Thanh Khôi nhấn mạnh, một đóng góp đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Tư tưởng này được phản ánh sâu sắc trong các văn kiện Đảng sau này.
Từ góc độ xây dựng lực lượng, Bác Hồ luôn coi trọng mối liên minh công - nông - trí thức, đề cao vai trò đào tạo giai cấp công nhân và cán bộ công đoàn kiểu mới. Người không chỉ nói về công nhân mà còn đưa ra định hướng rất cụ thể: phải xây dựng người công nhân xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn xã hội chủ nghĩa – những con người đủ phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh để làm chủ đất nước trong thời đại mới.
Đặc biệt, theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Công đoàn phải là công đoàn cách mạng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị. Không chỉ bảo vệ quyền lợi đoàn viên, công đoàn còn phải tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp tới người lao động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ Công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước...
PGS.TS Phan Thanh Khôi cho rằng, trong bối cảnh đất nước vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới, các cán bộ Công đoàn cũng cần vươn lên thành những công dân số, trong các tổ chức Công đoàn thông minh. Từ đó, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại và lớn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Nguyễn
Học Bác để hành động vì người lao động
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều tham luận tại Hội nghị đã làm sáng tỏ vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Các tham luận đã nhấn mạnh tinh thần "học Bác từ những việc làm nhỏ nhất", để từng cán bộ Công đoàn tự soi rọi, tự rèn luyện và hành động thiết thực hơn; để công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, cần chuyển từ "mô hình hành chính" sang "tổ chức dịch vụ - kết nối - bảo vệ" trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Theo TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn là yêu cầu tất yếu trong công tác công đoàn nói chung và công tác nghiên cứu khoa học nói riêng hiện nay.
Chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành những giải pháp thiết thực không chỉ là một thách thức mà còn là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đại diện Chi bộ Ban Tuyên giáo – Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất nhiều đổi mới trong hoạt động tuyên giáo - nữ công, như: lồng ghép tuyên truyền với các hình thức sinh hoạt văn hóa, ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn xã hội chủ nghĩa, công dân số, đại diện và kết nối.
Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói phải đúng tâm lý người nghe, phải làm cho người nghe hiểu, cảm, và hành động”. Học Bác, cũng là học cách đổi mới để làm cho tổ chức Công đoàn gần hơn với người lao động, nhận được nhiều hơn sự đồng hành tự nguyện và gắn bó.
Hội nghị sinh hoạt chuyên đề đã góp phần khẳng định vai trò của Đảng ủy Tổng Liên đoàn trong việc dẫn dắt chính trị tư tưởng, đồng thời cũng là dẫn chứng sống động về sự lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh trong từng hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay.
https://laodongcongdoan.vn/lan-toa-gia-tri-tu-tuong-ho-chi-minh-voi-giai-cap-cong-nhan-va-to-chuc-cong-doan-111323.html